Tại Peru, tác dụng của biển quảng cáo không chỉ là maketing mà còn mang tới cho người sử dụng những lợi ích khác.
Tấm biển tọa lạc ở làng Bujama thuộc ngoại ô thành phố Lima, thủ đô của Peru. Mỗi ngày nó tạo ra 96 lít nước, BBC đưa tin.
Đại học Kỹ thuật và Công nghệ (UTEC) tại thành phố Lima và công ty quảng cáo Mayo Peru Draft FCB đã hợp tác với nhau để chế tạo và lắp đặt tấm biển quảng cáo khổng lồ. Chi phí chế tạo biển là 1.200 USD.
“Nó hút hơi nước trong không khí và biến hơi nước thành nước. Quy trình chỉ đơn giản như vậy thôi”, Jessica Ruas, người phát ngôn của UTEC, phát biểu.
5 thiết bị bên trong tấm biển hút hơi nước trong không khí. Hơi nước di chuyển qua một bình ngưng để biến thành nước. Sau đó nước được bơm lên một bể ở phía trên tấm biển. Từ bể, nước chảy qua một bộ lọc trước khi xuống tới một vòi ở bên dưới để người dân có thể uống.
UTEC tuyên bố họ muốn biến giấc mơ tạo ra nước từ không khí thành hiện thực để chứng minh rằng kỹ thuật và công nghệ có thể giải quyết mọi vấn đề của con người.
Nhóm nghiên cứu đặt tấm biển quảng cáo tại làng Bujama vì người dân ở đây đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch.
“Trái đất chứa một lượng nước khổng lồ trong các đại dương. Nhưng chúng ta không thể uống trực tiếp nước biển, mà phải xử lý. Con người phải chi rất nhiều tiền để xử lý nước biển thành nước uống”, Ruas nói.
Ruas nhận định công nghệ biến không khí thành nước sẽ giải quyết triệt để tình trạng thiếu nước sạch trên khắp hành tinh.
“Đương nhiên, bạn không nhất thiết phải chế tạo thiết bị dưới hình dạng tấm biển quảng cáo, song công nghệ đó sẽ giải quyết tình trạng khan hiếm nước sạch”, Ruas bình luận.
Người dân trong làng Bujama cảm thấy vui vì sự hiện diện của tấm biển. Giờ đây nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ. Nó cũng thu hút sự chú ý của những người điều khiển xe máy và ô tô mỗi khi họ đi qua làng.